Văn hóa và con người
Văn hóa và con người Việt Nam |
I. VĂN HÓA VÀ LAO ĐỘNG
Hoạt động nhân sinh trong xã hội của mỗi con người là HỌC và HÀNH, loài người trong cả triệu năm tiến hóa và phát triển cũng làm tất cả những gì mà ta quy về sự học và sự hành. Nếu nói khái quát một cách tận cùng thì học và hành đều là LAO ĐỘNG. Chỉ có học và hành, hay chỉ có lao động mà con người vươn lên trên thang tiến hóa để không nằm trong phạm trù ĐỘNG VẬT, mà được xếp vào phạm trù NGƯỜI, và cũng chính nhờ vào lao động "học và hành" ấy mà con người luôn luôn là chính nó, tức là NGƯỜI.
Các Mác đã có một quan điểm trừu tượng cao độ và tuyệt vời về lao động. Ông cho rằng, lao động luôn diễn ra dưới hai quá trình cơ bản, kế tiếp nhau, thống nhất với nhau.
Quá trình thứ nhất là "NGƯỜI HÓA" sức mạnh bản chất của loài người trong việc học và sử dụng được những công cụ lao động và những đồ vật mà nhân loại đã sáng tạo ra. Bất kỳ một công cụ lao động nào, một đồ vật nào trong thế giới đồ vật quanh ta, đều chứa đựng trong nó những tri thức, những tài năng, những tư tưởng, những kỹ năng của người làm ra nó. Sự kết tinh cái tinh thần, cái tài hoa, cái hiểu biết của con người trong các đồ vật (công cụ lao động cũng là những đồ vật) là sức mạnh bản chất của con người đã sáng tạo ra nó.
Sử dụng bất kỳ đồ vật nào cũng phải theo các quy tắc, các cách thức thực hiện từng thao tác (Operation) theo những quy định chặt chẽ. Nói một cách dễ hiểu, nếu trên tay ta có một Smartphone, ta thực hiện những thao tác phải đúng quy cách thì mới truyền những thông tin từ mình tới người khác, mới lĩnh hội những thông tin phản hồi, v.v... Sử dụng được một đồ vật tức là ta đã khai thác sức mạnh bản chất của người làm ra đồ vật đó để trở thành sức mạnh bản chất của chính mình. Quá trình hoạt động này, thực chất là HỌC và HÀNH, tức là LAO ĐỘNG, và C.Mác gọi là quá trình NGƯỜI HÓA sức mạnh bản chất người của lao động.
Quá trình thứ hai là ĐỐI TƯỢNG HÓA sức mạnh bản chất của TA trong quá trình lao động để làm ra (sáng tạo ra) một đồ vật khác như một cái chén uống nước, một con dao đa năng, một cái máy tuốt lúa, một tác phẩm văn học... Đồ vật ấy đến lượt nó lại kết tinh trong chính nó sức mạnh bản chất người của TA.
Những ai sử dụng được đồ vật của TA thì họ đã chuyển được sức mạnh bản chất của TA vào thành sức mạnh bản chất của HỌ.
Thế giới đồ vật xung quanh ta được sinh thành từ lao động. Thế giới đó sinh sôi nảy nở ngày càng đa dạng, ngày càng phong phú cũng nhờ lao động. Chúng tôi hiểu rằng, cái THẾ GIỚI ĐỒ VẬT ấy bao gồm thành tựu mà xã hội gọi nó là VĂN HÓA VẬT THỂ và VĂN HÓA PHI VẬT THỂ. Mỗi sản phẩm ẩy, từ cái bình cổ đại đã bị sứt mẻ đến bộ đồ uống cà phê bằng gốm sứ cao cấp, từ cái rìu đá thô sơ tìm thấy trong hang động mà Homosapien tạo ra đến cái búa bằng thép tôi của người thợ gò tôn, sắt ngày nay cũng như cái búa máy đóng cọc bê tông để xây các cao ốc, từ những bức chân dung vẽ tay bằng bút lông với mực tàu tới những bức chân dung chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số, bằng chiếc điện thoại Iphone hoặc bằng chiếc Ipad,... tất cả đều chứa đựng tinh thần, tư tưởng, tình cảm của con người.
Bàn về văn hóa, Hồ Chí Minh viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” 1.
Để cụ thể hóa cách hiểu về văn hóa, ta có thể giải thích đơn giản hơn:
- Văn hóa là một hiện tượng xã hội, phản ánh năng lực bản chất của con người gồm tư tưởng, đạo đức, lối sống...
- Văn hóa là kết quả hoạt động của con người, và chỉ có thông qua hoạt động mới tạo ra văn hóa, đem lại cho văn hóa những giá trị đích thực.
- Văn hóa phản ánh trình độ tư duy, trình độ phát triển của xã hội. Quá trình phát triển văn hóa cũng là quá trình vận động tư duy và gắn với sự tiến triển của xã hội.
- Văn hóa được bảo tồn, phát huy, truyền bá qua giáo dục, giao tiếp, định hướng giá trị những hoạt động văn học, nghệ thuật...
- Văn hóa gắn liền với các quá trình cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội, cải tạo con người.
- Văn hóa thể hiện sức mạnh thích ứng của con người. Chỉ có thích ứng mới sinh tồn.
II. VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC
Con người sinh ra thì cùng với sự ra đời là sự tiếp thu giáo dục: giáo dục gia đình. Rồi từng bước trưởng thành, con người tiếp cận và được "nhúng” vào môi trường giáo dục xã hội và giáo dục học đường. Ai cũng được thụ hưởng giáo dục, chỉ có khác nhau là mức độ được giáo dục nhiều hay ít, nội dung giáo dục tốt hay xấu, phương pháp giáo dục đúng hay sai... mà thôi.
Vậy giáo dục là gì?
Nói một cách trừu tượng, giáo dục là quá trình mang NĂNG LỰC BẢN CHẤT CON NGƯỜI cho mỗi con người. Tôi hiểu điều này qua C.Mác khi ông cho rằng, CON NGƯỜI bao gồm (hay là một tổng thể) những NĂNG LỰC TINH THẦN và những NĂNG LỰC THỂ CHẤT.
Đứng ở nhiều góc độ khoa học khác nhau như Triết học, Tâm lý học, Giáo dục học, Xã hội học..., nhiều nhà nghiên cứu quy cho giáo dục hai chức năng cơ bản:
- Xã hội hóa con người
- Nghề nghiệp hóa con người
XÃ HỘI HÓA CON NGƯỜI là quá trình chuyển những kinh nghiệm xã hội - lịch sử của nhân loại cho con người, biến những kinh nghiệm ấy thành kinh nghiệm của từng cá nhân với tư cách là từng thành viên của xã hội.
Kinh nghiệm xã hội - lịch sử là những thành tựu của văn hóa. Kết quả cụ thể của mỗi con người về kinh nghiệm xã hội - lịch sử để có được kinh nghiệm riêng nói lên trình độ văn hóa của mỗi người thông qua giáo dục. Có lẽ vì thế mà việc học tập ở các trường học, các cơ sở giáo dục được gọi là HỌC VĂN HÓA, và kết quả học đến đâu được quy về TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA (điều này, những ai viết lý lịch cá nhân đều phải khai rõ).
Chúng ta ai cũng biết, con người được cha mẹ sinh ra theo một chương trình DI TRUYỀN SINH HỌC. Đó là chương trình chuyển các đặc điểm về giải phẫu sinh lý của thế hệ trước cho thế hệ sau. Nhưng để thành NGƯỜI, từng cá thể người phải qua một chương trình DI TRUYỀN XÃ HỘI, mà chương trình này do giáo dục thực hiện. Thông qua di truyền xã hội, con người mang bản sắc văn hóa riêng của gia đình, dòng tộc, nhóm xã hội mà người đó tham gia, cộng đồng xã hội mà họ sống trong đó...
Tôi phân biệt CON NGƯỜI và NGƯỜI ở chỗ, con người là một thực thể sinh vật, còn người là một thực thể xã hội của loài người. Cha mẹ sinh ra con cái với tư cách là những con người. Nền giáo dục sinh thành ra Người mang trong họ năng lực bản chất của xã hội loài người.
Tuy nhiên, nhờ văn hóa mà thực thể sinh học của con người cũng khác với những con vật dù con vật ấy ở bậc cao nhất trên thang tiến hóa của động vật. Nhà Tâm lý học người Nga nổi tiếng là ông A.N.Leontiev đã có một luận đề nổi tiếng về vấn đề quan hệ văn hóa với sự tiến hóa của con người. Theo ông, động vật tiến hóa theo quy luật sinh vật. Để thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài đã thay đổi, động vật phải thay đổi cấu trúc cơ thể, và kèm theo là thay đổi chức năng của những bộ phận mới trong cấu trúc đó. Con gà cần cái chân để bới đất tìm thức ăn nên có đôi chân cứng cáp và móng sắc nhọn. Con vịt cần bơi nhanh trên mặt ao hồ thì chân phải có màng mỏng giữa các ngón chân. Răng nanh của chuột dùng để gặm nhấm nên mọc chụm hai cái gần nhau. Con mèo cần răng nanh để xé thịt thì không thể có hai răng nanh chụm lại một chỗ như răng nanh chuột... Sự tiến hóa của động vật ghi dấu trực tiếp trên cơ thể chúng. Thế giới càng thay đổi, môi trường càng biến đổi thì cơ thể động vật càng đa dạng hơn. Nếu không, con vật sẽ mất khả năng thích ứng và bị tuyệt chủng.
Con người tiến hóa theo quy luật xã hội - lịch sử.
Từ khi xuất hiện người homosapien đến nay, loài người từ trạng thái mông muội đã tiến lên đến văn minh tin học. Trong khi ấy, về đặc điểm cấu trúc cơ thể, giữa homosapien với người thế kỷ XXI không có gì thay đổi cơ bản, có chăng chỉ là những thay đổi rất chi tiết. Sự tiến hóa của con người không để lại dấu ấn trên cơ thể mà để lại trên những thay đổi ngày càng lớn lao trong thế giới đồ vật. Cái cối xay gió trên cánh đồng ở Hà Lan cho ta biết sự phát triển con người ở nền văn minh nông nghiệp. Cái máy hơi nước là kết quả tiến lên từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Giờ đây, computer đang gửi một thông điệp đi khắp thế giới rằng, một xã hội tri thức đang hình thành và phát triển, nền kinh tế tri thức đang từng bước thay thế nền kinh tế công nghiệp... Thế giới đồ vật là biểu hiện tập trung của sự tiến hóa loài người.
NGHỀ NGHIỆP HÓA CON NGƯỜI thực chất cũng là quá trình giáo dục, nhưng ở đây, thông qua những chương trình giáo dục, con người được trang bị những tri thức chuyên nghiệp, có được những kỹ năng lao động trong một lĩnh vực sản xuất cụ thể (mà ta gọi là TAY NGHỀ) cùng với những phẩm chất tâm lý - đạo đức đáp ứng những yêu cầu đối với người lao động trong một nghề cụ thể. Quá trình nghề nghiệp hóa đó thường được gọi là quá trình đào tạo. Thực ra, khái niệm giáo dục trên thực tế và trên lý thuyết đã bao hàm cả đào tạo rồi.
Trong xã hội hiện đại, một cá nhân nào không được nghề nghiệp hóa và không có nghề trong tay thì chắc chắn là bị loại trừ ra khỏi cuộc sống xã hội. NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ NGHỀ là mục tiêu mà giáo dục phải hướng đến và nhất quyết phải đạt cho được mục tiêu ấy. Sống với nghề, giàu có nhờ vào nghề là người lao động chân chính. Mọi sự giàu có không bằng lao động nghề đều là bất chính.
Xã hội càng hiện đại, khoa học và công nghệ càng phát triển thì nghề mới xuất hiện càng nhiều, nội dung và phương pháp lao động sản xuất của những nghề cũ càng thay đổi. Một con người hiện đại phải biết một nghề ở mức độ giỏi tay nghề, nhưng cũng phải biết một số nghề khác để chuyển nghề khi cần thiết. MÙ NGHỀ là bất hạnh và cũng là một cuộc sống đã an bài.
Trong cuộc vận động chống nạn mù chữ hiện nay, nhiều quốc gia cho rằng MÙ NGHỀ là khái niệm nằm trong phạm trù MÙ CHỮ.
III. VĂN HÓA VÀ PHÁP LUẬT
Như trên đã nói, con người sinh ra con người, còn giáo dục mới sinh ra NGƯỜI với đúng nghĩa là một chủ thể hoạt động trong xã hội. Tôi viết từ NGƯỜI với chữ in hoa là theo ý niệm ấy, và như vậy, trong một chừng mực đáng kể, tôi muốn đánh đồng NGƯỜI với khái niệm NHÂN CÁCH.
Nhân cách được hiểu như một tổng hòa những phẩm chất tâm lý - đạo đức và những năng lực của một CÁ NHÂN (với tư cách là một thành viên trong xã hội) mà nhờ đó, họ thành chính họ.
Ông K.K.Platonov, một nhà tâm lý học, đồng thời là một nhà sinh học đưa ra một định nghĩa về nhân cách: “Nhân cách là người mang tải (porteur) các chuẩn mực đạo đức và pháp luật”.
Tôi tâm đắc với quan niệm này, mặc dù, nếu xét từ bình diện văn hóa thì cả đạo đức và pháp luật đều nằm trong phạm trù văn hóa (như trên đã dẫn về quan điểm của Hồ Chí Minh).
Cả đạo đức lẫn pháp luật đều được đặt ra để đánh giá hành vi và hành động của người dân theo tiêu chí phân biệt THIỆN - ÁC, ĐÚNG - SAI, PHẢI - TRÁI. Tuy nhiên, khi hành động, ý thức đạo đức nhắc nhở người ta NÊN làm gì và làm như thế nào đúng với tư cách là người tử tế. Ý thức pháp luật thì nhắc nhở con người hành đồng rằng ĐƯỢC làm gì và KHÔNG ĐƯỢC làm gì để luôn giữ được QUYỀN CÔNG DÂN trong xã hội.
Ý thức là gì? Xét từ giác độ nhận thức luận, đó là những TRI THỨC về những điều ngoài TA, tức là ngoài chủ thể nhận thức. Vì thế, nhiều nhà tâm lý học Xô-viết quan niệm rằng, nhân cách là người mang ý thức. Trong tác phẩm "Con người và văn hóa" của mình, A.N.Leontiev cho rằng, cái cốt lõi của ý thức là văn hóa. Một người có văn hóa là người luôn luôn có ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm, ý thức tập thể, ý thức tôn giáo đúng đắn.
Trong một con người cụ thể, nếu họ được giáo dục để có một trình độ văn hóa cao thì chắc chắn, người đó luôn luôn tuân thủ pháp luật, làm theo pháp luật. Trong một xã hội cụ thể, nhân dân có một trình độ văn hóa cao thì trật tự xã hội luôn luôn được giữ gìn, duy trì và củng cố.
Từ xa xưa, lúc đầu xã hội không xây dựng luật pháp. Chỉ khi xã hội thiếu đi cái trật tự cần thiết thì lúc đó con người mới cần đến pháp luật.
Trước Công nguyên, Pythagore với tư cách là một hiền triết, đã nêu lên một ý kiến rất chí lý: “Hài hòa mang lại trật tự. Vũ trụ hài hòa, mọi thành tố cấu thành vũ trụ làm thành một thể thống nhất và hài hòa, các quốc gia hài hòa, nếu như vậy thì làm gì mà sinh ra sự lộn xộn”, vì vậy, trong xã hội, nhân dân phải sống với những tập quán tốt, nghĩa là sống có văn hóa. Sống với những tập quán tốt là sống với sự nhận thức cần thiết về trật tự xã hội. Đó là cơ sở của sự tạo nên trạng thái hài hòa.
Với quan niệm ấy, Pythagore tuyên bố:
“Nhân dân! Trước hết hãy cố gắng có được tập quán tốt chứ không phải luật pháp: tập quán là luật pháp sớm nhất".
Có thể khẳng định rằng, nếu xã hội có trình độ văn hóa cao thì vấn đề pháp luật sẽ không phải là vấn đề bức xúc. "Lập kỷ cương” và “xây dựng văn hóa" là chuyện lấy ngắn nuôi dài, nhằm kết quả cuối cùng là đi tới một xã hội thực hiện tốt an sinh và phát triển bền vững.
Cái cốt lõi của xây dựng văn hóa là giáo dục đạo đức. Có văn hóa thì sẽ nhận thức được tính tất yếu của luật pháp, từ đó, hành động theo luật pháp. Con người như vậy sẽ trở thành tự do.
Trong tác phẩm “Luận bàn minh triết và minh triết Việt”, Hoàng Ngọc Hiến viết: "Văn hóa là sự tự do bên trong, pháp luật và những kỷ cương khác là sự ngăn ngừa bên ngoài. Văn hóa yêu cầu tối đa về đạo đức, pháp luật giới hạn ở yêu cầu đạo đức tối thiểu”.
Tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh là những yếu tố văn hóa rất có ý nghĩa để con người có “phần hồn" tốt đẹp. Tôn giáo yêu cầu cao tính Thiện ở con người, đề cao đạo đức trong con người. Ngày xưa, Thích Ca Mâu Ni có một câu nói đầy tính triết lý: "Hãy ngó vào bên trong mình, ngươi chính là Phật đó". Tất nhiên, đó là Phật nhắc nhở người tử tế - người có lối sống văn hóa.
IV. VĂN HÓA VÀ HỌC TẬP
IV. VĂN HÓA VÀ HỌC TẬP
Phần trên ta đã có dịp bàn đến mối quan hệ văn hóa - Giáo dục. Tuy vậy chưa đủ, mà còn phải tính đến quan hệ Văn hóa - Học tập.
Giáo dục là quá trình giúp cho con người tiếp thu kinh nghiệm của giống loài rồi biến thành kinh nghiệm riêng của cá nhân. Sự tiếp thu của cá nhân mới có tác dụng quyết định hướng phát triển và trình độ phát triển của mỗi nguời. Giáo dục không được phép ngộ nhận rằng, mình có quyền năng vô hạn với sự phát triển của từng con người, không phải là phương thuốc thần kỳ để biến một con người mù chữ hay chưa biết chữ trở thành một nhà thơ, một thầy thuốc. Nói tóm lại, giáo dục không thể nhào nặn con người theo một mẫu người nào đó một cách tùy thích, bởi giáo dục chỉ có thể tạo điều kiện để con người phát triển. Yếu tố quyết định ở đây là sự HỌC của con người.
Điều này không cần bàn cãi, bởi triết học Mác - Lênin đã chỉ ra rằng, những mâu thuẫn bên trong của sự vật (chứ không phải là mâu thuẫn bên ngoài) mới tạo ra sự vận động nội tại. Tất nhiên, giáo dục là yếu tố hết sức quan trọng, song không là vạn năng.
Trong thực tế, không ít người đã dùng lẫn lộn 2 khái niệm GIÁO DỤC và HỌC TẬP. Ngay trong một số văn kiện mà ta đang có nhiệm vụ và trách nhiệm quán triệt cũng sử dụng chưa thật chính xác và phân biệt tinh tế hai khái niệm này. Nói chuyện với thanh niên Komsomon, V.I.Lênin kêu gọi "HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI!". Ông không hề nói đến giáo dục, giáo dục hơn nữa, giáo dục mãi. Hồ Chí Minh cũng vậy, Người yêu cầu xây dựng một nền giáo dục cách mạng, dân chủ và căn dặn thế hệ trẻ phải ra sức HỌC TẬP để xây dựng đất nước, để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc.
Trong suốt 20 năm qua, tôi dành công sức nghiên cứu để xây dựng một mô hình xã hội học tập phù hợp với Việt Nam và suy ngẫm nhiều về tư tưởng "HỌC TẬP SUỐT ĐỜI” của Hồ Chí Minh. Tôi đã đọc một số tài liệu chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng. Một số tài liệu gây cho tôi và cho nhiều người những bức xúc và tâm trạng chưa vừa ý trước những cách nhìn và cách làm giáo dục.
Một là, tại Văn kiện Đại hội X, Đảng yêu cầu chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình xã hội học tập. Trên thực tế, đã qua 10 năm mà mô hình giáo dục cũ kỹ vẫn đứng đó với những mảnh vá tùy tiện được gọi là đổi mới. Điều bức xúc là chúng ta không chuyển sang được một nền giáo dục lấy SỰ HỌC làm CỨU CÁNH mà thay vào đấy là những quy định giáo dục áp đặt lên thế hệ trẻ: quy định thi cử, quy chế tuyển chọn, quy định học phí, quy định kiểm tra... Chủ nghĩa "Quy định" và cơ chế "áp đặt" đang xoay quanh mục đích phục vụ cho sự tiện lợi quản lý, chẳng vì sự học.
Triết lý giáo dục "HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI" hoàn toàn bị coi nhẹ. Một khi thế hệ trẻ chán học và học không giỏi thì phải thấy đây là một nguy cơ.
Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh cho dán lên vách của Hội trường lời nói của Khổng Tử:
HỌC KHÔNG CHÁN
DẠY KHÔNG MỎI
Có đồng chí hỏi: Thưa Bác, đây là câu nói của Khổng Tử, sao Bác lại cho dán ở đây.
Người nói: Đây là di sản văn hóa
(Tôi chỉ mô tả theo ý chứ không theo nguyên văn)
Quan điểm “học không chán, dạy không mỏi" có còn đúng với Việt Nam ở thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI không? Tôi khẳng định "vẫn nguyên giá trị" và còn nghĩ, với tình hình giáo dục hiện nay, trạng thái trò chán học, thầy mệt mỏi dạy học có thể kéo dài nếu như đường mòn tư duy giáo dục vẫn được sử dụng để hoạch định chính sách giáo dục như bây giờ.
Hai là, trong tài liệu chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng, phần nói về mục tiêu giáo dục chỉ đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực. Viết như thể không sai nhưng không đủ và không chuẩn xác về khoa học giáo dục.
Nói đến mục tiêu giáo dục thì số 1 là giáo dục nhân cách (giáo dục ở bình diện con người), số 2 mới là nguồn nhân lực (giáo dục ở bình diện xã hội), số 3 là nhân tài (chất lượng thượng đỉnh của nguồn nhân lực).
Muốn xây nhà (ở đây là nguồn nhân lực thì phải có gạch, có cấu kiện bê tông, v.v..), cũng như muốn có nhân lực thì phải có từng nhân cách cụ thể.
Về nhân tài, xin nói ở phần sau. Ở đây, tôi chỉ muốn bác quan điểm của Mao Trạch Đông: "Ba anh thợ da thối bằng một Gia Cát Lượng”. Chủ nghĩa cộng sản là khoa học, làm cách mạng phải bằng trí tuệ và tài năng, không thể bằng cơ bắp được.
Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, thế giới sôi nổi trong xu thế xây dựng xã hội học tập. Người ta đang phấn đấu để có được một xã hội mà trong đó, giáo dục phải tạo mọi cơ hội và điều kiện để mọi công dân được chọn thời gian học tập và không gian học tập phù hợp với hoàn cảnh sinh sống và làm việc của mình, từ đó, thực hiện phương thức HỌC TẬP SUỐT ĐỜI.
Về điều này, cần nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân" 2.
Quan điểm học tập suốt đời của Hồ Chí Minh càng thấy đúng trong thời đại kinh tế công nghiệp đang từng bước được thay thế bởi một nền kinh tế tri thức.
Để có được xã hội học tập, thế giới đặt ra một vấn đề chung: Xây dựng mô hình CÔNG DÂN HỌC TẬP.
Điều kiện kinh tế - xã hội giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, giữa các quốc gia đã công nghiệp hóa với các nước đang công nghiệp hóa là khác nhau nên yêu cầu đặt ra đối với công dân học tập giữa các nước là không như nhau. Song, tiêu chí đánh giá chung có điểm giống nhau. Đó là yêu cầu tự học, học để liên tục tiếp cận kỹ thuật và công nghệ sản xuất mới, học để thoát nghèo, trước hết là thoát nghèo tri thức rồi từ đó thoát nghèo thu nhập và thoát nghèo nhân văn, học để bảo vệ môi trường sống và thích ứng với những thay đổi của thế giới.
Để xây dựng mô hình công dân học tập, Xingapo tổ chức một hệ thống trường học trong một xã hội chú trọng sự học mà họ gọi là: “Những nhà trường tư duy, một quốc gia học tập”. Người ta đặc biệt quan tâm đến những phẩm chất và năng lực của công dân Xingapo sau đây:
- Tự học
- Tự tin
- Tư duy sáng tạo
- Sử dụng thành thạo máy tính
- Năng lực kinh doanh trên thị trường thế giới
- Đóng góp nhiều cho xã hội.
Ở Hàn Quốc, công dân học tập phải bảo đảm những yêu cầu sau:
- Năng lực tự học
- Nhận thức được vai trò công dân
- Tự tin
- Tư duy phản biện và sáng tạo
- Thành thạo sử dụng công nghệ thông tin
- Quan tâm tới các hoạt động xã hội.
- Năng lực quản lý bản thân
- Đóng góp tích cực cho xã hội.
Các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Xingapo, v.v.. đều đề cao tinh thần và khả năng tự học trong các cơ sở học tập cộng đồng. Hàn Quốc có tới trên 22.000 cơ sở học tập cộng đồng. Nhật Bản xây dựng các KOMINKAN (dịch sang tiếng Việt là Trung tâm Học tập cộng đồng). Tại Nhật Bản có tới 18.000 Kominkan với những thiết bị đào tạo người lớn khá hiện đại. Chính phủ Nhật đã nâng cấp cho 150 Kominkan lên thành các trường ĐẠI HỌC CÔNG DÂN. Từ năm 1985, một số trường Đại học Công dân đã chuyển thành trường với tên gọi Kiyomigata, dịch sang tiếng Việt là Đại học cộng đồng, chuyên cung cấp cơ hội học tập cho người cao tuổi.
Không có công dân học tập thì không thể có xã hội học tập. Đó là logic của vấn đề của một tư tưởng thời đại tri thức.
V. VĂN HÓA VÀ NHÂN TÀI
Nhân tài là những người có năng lực lao động vượt trội so với người khác trong cùng một công việc. Những người tài năng là những người xếp ở hàng đầu trong các lĩnh vực hoạt động. Chính họ là người luôn tìm được cách giải quyết hợp lý nhất, hiệu quả nhất, độc đáo nhất những bài toán các loại để tìm ra đáp số đáp ứng những yêu cầu xã hội.
Trong những nhân tài sẽ xuất hiện một số tài năng xuất chúng, có một không hai, ở một thời điểm nào đó, tại một địa phương nào đó mà ta chưa có cơ sở lý giải. Những tài năng xuất chúng này được gọi là THIÊN TÀI, mà theo thống kê, phải có mươi, mười lăm triệu tài năng may ra mới xuất hiện một thiên tài. Tài năng và thiên tài là đỉnh cao của Văn hóa.
Nhà di truyền học lỗi lạc V.I.Vematsky, chuyên nghiên cứu về tính di truyền và tính biến dị đã xem xét vấn đề nhân tài dưới lăng kính sinh học và di truyền học. Ông viết: "Tư tưởng, năng lực sáng tạo của con người là sức mạnh, có tầm cỡ hành tinh, sức mạnh địa chất, làm biến đổi bộ mặt của trái đất". Nhận xét đó quá đúng. Ta có thể coi quan điểm của Vematsky như một cơ sở để định hướng chiến lược đào tạo nhân tài quốc gia.
Tài năng không từ trên trời rơi xuống, mà từ sự HỌC và HÀNH. Năm Thiệu Bình 1 (1434) Lê Thái Tông xuống chiếu cầu hiền: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm. Thái Tổ ta mới dựng ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa có khóa thi. Ta noi theo chí Tiên Đế, muốn cầu được người hiền tài để thỏa lòng mong đợi".
Như vậy, giờ đây, muốn có nhiều người tài đứng ra gánh vác sự nghiệp của Đảng, của cách mạng, của Bác Hồ trao lại, phải có một nền giáo dục dân chủ, hiện đại, của dân, do dân, vì dân. Nếu hệ thống giáo dục hiện nay không được nhân dân đặt vào đó những hy vọng lớn lao như trước; người dân không còn tự hào với nền giáo dục hiện hữu; niềm tin của quần chúng vào đường lối giáo dục của Đảng giảm sút,v.v.. thì đó là một nguy cơ gây nên những tác hại lâu dài cho sự phát triển xã hội.
Nhân dân đang trông chờ những tài năng thực thụ, bao gồm một đội ngũ sau:
- Những nhà lãnh đạo Đảng tài ba, sáng suốt;
- Những nhà quản lý xã hội ưu tú, sáng tạo;
- Những nhà khoa học xuất sắc;
- Những văn nghệ sĩ đầy sức sáng tạo;
- Những doanh nhân giàu năng lực cạnh tranh;
- Những người thợ có bàn tay vàng.
Chính những tài năng này là lực lượng chính trong sáng tạo nên những giá trị để văn hóa đủ sức dẫn đường cho quốc dân đi.
VI. VĂN HÓA CÔNG NGHIỆP - CÔNG DÂN CÔNG NGHIỆP
Việt Nam đang hướng tới và đang gần tới một quốc gia công nghiệp hiện đại. Trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất thiết phải xác định những tiêu chí văn hóa công nghiệp và tiêu chí văn hóa cần giáo dục cho những công dân tương lai của xã hội công nghiệp.
VĂN HÓA CÔNG NGHIỆP được hiểu là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một xã hội công nghiệp, thể hiện ở cách làm việc, cách suy nghĩ, cách ứng xử của con người với cộng đồng, với môi trường tự nhiên, với bản thân qua một hệ thống chuẩn mực cơ bản, bao gồm:
- Tư duy công nghiệp;
- Tác phong công nghiệp;
- Đạo đức công nghiệp;
- Lối sống công nghiệp.
Ở những nước công nghiệp, người ta đã có quy định những chuẩn của yếu tố tâm lý nói trên. Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể bê nguyên văn những chuẩn mực đó áp đặt vào con người Việt Nam. Cần có những công trình khoa học nghiên cứu các chuẩn mực này, có tham khảo những kinh nghiệm nước ngoài.
Nước Anh bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong những năm 1765 - 1785 và sau khoảng 100 năm thì họ đạt tới ĐIỂM NGOẶT, hình thành một nước công nghiệp cổ điển.
Nhiều quốc gia khác đã đi tiếp theo Anh quốc để tới xã hội công nghiệp. Hoa Kỳ tạo ra điểm ngoặt phát triển vào năm 1900, rồi đến Pháp (1920), Đức (1930), Nhật (1960), Đài Loan (1970), Hàn Quốc (1975), v.v..
Đặc trưng của điểm ngoặt là:
- Lao động nông nghiệp giảm, tỷ trọng nông nghiệp dưới 10% GDP, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên chiếm đa phần trong GDP.
- Lao động bắt đầu thiếu.
- Tiền lương bắt đầu tăng nhanh (tỷ lệ đói nghèo thấp, số lao động trở thành trung lưu tăng nhanh).
Trong những điều kiện đó, một hệ thống giáo dục hiện đại phải được xây dựng để đáp ứng nhu cầu học hỏi của người dân nhằm thích ứng với một nền sản xuất cơ giới hóa và điện khí hóa. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp bắt đầu xuất hiện từ đó. Andre Dazin, một thành viên của Câu lạc bộ Roma đã nói một cách hình ảnh rằng, trong xã hội nông nghiệp, muốn trở thành người đi cày thì theo một lão nông, còn muốn trở thành người thợ thì đi theo bác thợ cả. Ở xã hội công nghiệp, muốn tham gia lao động sản xuất thì phải được đào tạo nghề và đó là lý do phải thành lập các trường chuyên nghiệp các cấp, từ sơ cấp đến cao cấp (bậc đại học). Người lao động sau đào tạo phải có trình độ nhất định về tri thức nghề (học vấn chuyên môn), kỹ năng nghề (tay nghề) và thái độ đúng đắn với nghề (ý thức kỷ luật lao động, đạo đức nghề, lương tâm nghề).
Để chuẩn bị năng lực thích ứng với xã hội công nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa đang gia tăng sức cuốn hút nhiều quốc gia vào dòng chảy hội nhập quốc tế, từng bước phát triển kinh tế tri thức và mở rộng dần kinh tế thị trường, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển văn hóa dân tộc theo hướng hiện đại. Một trong những lệch lạc trong phát triển văn hóa ở ta là sự tiếp thu không chọn lọc những kinh nghiệm nước ngoài, muốn dập khuôn các mô hình văn hóa theo chuẩn mực nước ngoài một cách giáo điều. Về vấn đề này, tôi muốn mượn lời của André Dazin để bình luận. Trong một bài viết về sự tiến hóa của loài người, ông khẳng định rằng, những nước đi sau dễ bị các nước đi trước "thôi miên" mà không thấy rằng, sự quyết định cho những bước phát triển của các quốc gia lạc hậu không phải ở chỗ cóp nhặt mô hình nào mà là xây dựng con người theo mô hình nhân cách nào.
Do vậy, nền giáo dục Việt Nam lúc này sẽ phải đổi mới mục tiêu đào tạo, xác định mô hình nhân cách của công dân công nghiệp, tiếp sau đó là tìm đến công nghệ giáo dục để hiện thực hóa những con người thích ứng với sản xuất công nghiệp theo những chuẩn mực văn hóa mang đặc trưng DÂN TỘC, KHOA HỌC và ĐẠI CHÚNG.
Có thể nhận xét thẳng thắn rằng, chúng ta đang có một đời sống văn hóa lộn xộn, mất trật tự, và đáng cảnh báo về tình trạng mất AN NINH CON NGƯỜI. Số người bị bệnh tật, thương tật hoặc bị chết do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, do thiếu vệ sinh thực phẩm, không an toàn lương thực, do nạn hàng giả, nạn ô nhiễm môi trường, nạn trộm cướp v.v. đã ở mức độ không bình thường nữa. Nói cụ thể thì không thể kể cho hết những gì đã và đang diễn ra. Nói nhiều thì nhàm tai người nghe, khiến nhiều người kêu lên: Biết rồi! Nói mãi!
Nhà nước cần hoạch định nhiều chính sách văn hóa hơn, nhưng quan trọng là phải có hành lang pháp lý và cơ chế cứng rắn với những hành vi vô văn hóa. Nói mãi mà không sửa thì ắt sẽ loạn.
Trước mắt, xin đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên phối hợp nghiên cứu đề xuất các YÊU CẦU VỀ VĂN HÓA và BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ việc thực hiện những quy định chuẩn văn hóa của các hoạt động sau:
- Văn hóa giao thông;
- Văn hóa lao động;
- Văn hóa giao tiếp;
- Văn hóa ứng xử với môi trường;
- Văn hóa học tập;
- Văn hóa lãnh đạo và quản lý;
- Văn hóa kinh doanh;
- Văn hóa ẩm thực và trang phục.
Chỉ cần mỗi lĩnh vực hoạt động có ba điều buộc phải thực hiện đúng về chuẩn mực văn hóa thì bộ mặt xã hội sẽ khác nhiều so với hiện tại.
Chỉ có xây dựng được những chuẩn mực văn hóa công nghiệp với một hệ thống giá trị thật cơ bản, cùng với một kỷ cương xã hội chặt chẽ thì mới thoát ra khỏi cách tư duy bảo thủ, lối làm ăn tùy tiện, ý thức pháp luật lỏng lẻo... Đó là điều kiện tiên quyết để tiếp cận nền kinh tế công nghiệp, phương thức sản xuất công nghiệp và văn minh công nghiệp.
Không có nhận xét nào