Hai cây lim Giếng Rừng - Quảng Yên nơi bình yên
Quảng Yên nằm bên sông Bạch Đằng và sông Chanh. Hai dòng sông ôm lấy các phường xã, từ xưa đã chia vùng đất này thành hai khu vực với hai địa hình tự nhiên rõ rệt: Hà Bắc địa hình đồi núi, rừng và trung du; Hà Nam địa hình đảo trũng lòng chảo đồng chua nước mặn, sông biển bao quanh. Do vậy từ xa xưa nước ngọt đã là một nhu cầu đặc biệt trong đời sống dân sinh và sản xuất.
Giếng Rừng, một giếng nước cổ xưa ở thị xã Quảng Yên nay đã đóng lại... |
Chum vại, bể chứa nước mưa không thể đáp ứng được nhu cầu đại đa số cư dân. Nên trong dân gian xuất hiện ao hồ tích trữ và những chiếc giếng đào lấy nước ngọt từ mạch ngầm trong lòng đất. Các làng xã khu Hà Bắc nhu cầu nước ngọt dễ dàng hơn, chỉ việc đào sâu xuống lòng đất trong vườn, ngoài ngõ xóm, ngõ phố, đất sườn đồi… là có giếng nước ngay. Còn các làng xã khu Hà Nam thì hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên; đến những năm gần đây cư dân mới dám đào giếng.
Giếng nước là người bạn và mang bao kỷ niệm một thời của dân phố thị Quảng Yên. Cả một khoảng thời gian dài thế kỷ XX, người Quảng Yên dùng nước của những chiếc giếng đào sâu ven núi Tiên Sơn, đồi Nguyệt Lĩnh, đồi Yên Trì, ven cả triền sông Chanh như đứa trẻ nhờ nguồn sữa mẹ mà lớn lên.
Dưới gốc hai cây lim đại thụ, hai chiếc giếng Rừng (giếng trong và giếng ngoài) sâu thẳm, trong vắt, cũng còn đó như xao động tiếng gầu múc nước va vào thành giếng của người bao thời, trong đó có chúng tôi. Những năm ấy, gánh nước giếng Rừng như một niềm vui mở đầu ngày mới của người dân phố thị Quảng Yên. Người ta cho rằng gánh nước buổi sớm sẽ được nước ngọt mát hơn bởi sự lắng trong qua đêm. Gầu nước múc lên lóng lánh đổ vào đôi thùng, chúng tôi cẩn thận xé lá chuối ra từng mảnh phủ cho nước khỏi sánh khi cất gánh lên vai, bước từng nhịp trên đường trên ngõ. Đám thanh niên nam nữ còn thi nhau gánh nước vừa nhanh, đầy, lại không sánh một giọt nào dọc đường đi...
Rồi những chiều ngả bóng nắng, người nông dân các làng Yên Trì, Hiệp Hoà, Đông Mai, Minh Thành, Tiền An… thi đua gánh nước giếng tưới cho các ruộng rau màu, các vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ, vườn hoa. Giếng nước làng Khê Chanh, Cộng Hoà trong mát có tiếng, từng đi vào ca dao: “Nước Giếng Chanh vừa trong vừa mát/ Đường Quỳnh Lâu lắm cát dễ đi”…
Vào một buổi sáng mùa thu, ngồi ở quán nước trà của anh Lê Xuân Bộ trước cửa Bưu Điện Quảng Yên, tôi và anh đã cùng điểm lại xem Quảng Yên còn bao nhiêu chiếc giếng cổ, những chiếc giếng được khơi mạch và có tuổi trăm năm: Đây là giếng Rừng, giếng Cẩm, giếng Vuông, giếng Sở Điện, giếng Sở Kẽm, rồi giếng Chanh, giếng chùa Bằng, giếng Mới… Và nhiều, nhiều lắm những chiếc giếng xuân sắc một thời mà nay đã chìm lấp dưới những ngôi nhà tầng thấp tầng cao khi hệ thống dẫn nước ngọt từ công trình thuỷ nông hồ Yên Lập chảy về cùng nền công nghệ máy nước phát triển.
Bên các phường xã làng đảo Hà Nam, vùng đồng chua nước mặn xuất hiện cách nay gần 600 năm, ngày xưa cư dân chỉ trông chờ vào nước mưa. Có mưa thì mới có nước uống và cày cấy, trồng trọt. Những năm hạn hán đành để đồng ruộng khô cằn nứt nẻ, hoa cỏ mọc hoang vu; người và súc vật phải chịu nạn khát dài dặc hằng mấy tháng trời. Đêm đêm, trai gái trong các làng cùng nhau ra đồng gánh nước vét từ các con ngòi con lạch lên ruộng cứu lúa đang độ làm đòng… Dân Hà Nam còn phải cuốc bộ năm, sáu cây số, qua đò sang các làng xã Hà Bắc để gánh nước ngọt về dùng. Những tên giếng Rừng, giếng Chanh, giếng chùa Bằng… bao năm gắn bó với bước chân các chàng trai cô gái Hà Nam sang gánh nước. Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XX, từ những năm sáu mươi mới xuất hiện phong trào đào giếng khơi mạch nước ngọt. Trước đó cũng có giếng ở các xóm nhưng đào rộng như cái ao, qua mùa mưa nước lại cạn khô. Còn chủ yếu nước ngọt được chứa dự trữ bởi các hồ lớn và hệ thống bể gia đình.
Năm 1961, ông Dương Mạnh Chinh là người đầu tiên ở làng Cẩm La đào và hạ giếng thống đóng bằng những ống xi măng chồng khít lên nhau. Giếng này sâu tới 4-5 mét và chỉ đào được cỡ ấy, nếu sâu nữa sẽ chạm mạch nước mặn không dùng được. Qua quá trình khơi tìm mạch nước, dân các làng đã rút ra kinh nghiệm: Muốn đào giếng đúng mạch, chiều hôm trước đem ba, bốn cái bát úp xuống mặt đất các chỗ định chọn; qua đêm lật bát lên thấy cái bát nào đọng nhiều hơi nước, nếm thấy ngọt… thì đấy là nơi sẽ đào được giếng có nhiều mạch nước ngọt. Từ đó phong trào đào giếng phát triển rất rầm rộ. Một loạt giếng của xóm Cẩm Thành, xóm Cẩm Tiến, giếng các làng xã ra đời lấy nước tầng mạch phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Đến những năm 1980, khi có công trình thuỷ nông hồ Yên Lập với hai ống xi phông vượt ngầm qua dòng sông Chanh và hệ thống kênh máng đem nước ngọt sang đồng Hà Nam, vấn đề nước trong đời sống và sản xuất nơi đây mới được thay đổi hoàn toàn. Nhất là từ khi một loạt các công trình nước sạch nông thôn được xây dựng và đi vào hoạt động ở các phường xã phục vụ tận các khu dân cư, hệ thống giếng bắt đầu giảm hẳn ở cả hai khu vực Hà Bắc -Hà Nam. Cư dân các nơi đã lấp giếng để lắp đặt hệ thống mạng nước sạch nông thôn. Hàng nghìn chiếc giếng, nguồn sống quý báu và khôn cùng nuôi đất và người đã trả về lòng đất…
Nhưng, thiết nghĩ: Giống như những cổ vật, những chiếc giếng cổ như giếng Rừng dưới gốc hai cây lim cổ thụ chẳng hạn, thì xin đừng chôn lấp và hoá giải nó đi. Hãy dành tâm để bảo tồn nó trong “ngôi nhà Bảo tàng Thiên nhiên”. Bởi đấy chính là “nhân chứng” sót lại qua bao biến đổi của các thời đại. Nó đã có mặt góp phần làm nên miền quê lịch sử và văn hoá Bạch Đằng Giang. Biết đâu đến một lúc nào đó, các thế hệ mai sau sẽ phải dày công đi tìm và khai quật chúng…
Post a Comment